Viêm Gan B – Có Thật Sự Đáng Sợ Như Bạn Nghĩ?

10/04/2025
Lượt xem: 228
Đỗ Hoàng An Lộc
Tham vấn y khoa
BS CKI Đỗ Hoàng An Lộc

Bác sĩ chuyên khoa Nội

 

Xem chi tiết
Mục lục bài viết

Khi được thông báo “bị viêm gan B”, rất nhiều người rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng sợ, nghĩ rằng mình đang mang một “án tử”, dễ lây nhiễm cho người thân và có nguy cơ tử vong vì ung thư gan.

Nhưng viêm gan B không đáng sợ như bạn nghĩ, nếu phát hiện sớm – theo dõi định kỳ – điều trị đúng cách. Là bác sĩ chuyên khoa Gan mật, tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất của bệnh để giảm lo lắng – tăng kiểm soát – sống khỏe mạnh như người bình thường.

Viêm Gan B Là Gì?

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng lý do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra, tấn công gan và gây tổn thương tế bào gan. Bệnh có thể tồn tại ở 2 dạng:
Cấp tính: Đây là tình trạng nhiễm viêm gan B trong thời gian ngắn. Trong khoảng thời gian là 6 tháng kể từ khi người bệnh tiếp xúc với virus HBV. Đa phần người bệnh không có triệu chứng hay chỉ bị nhẹ ở giai đoạn này.

Những người ở độ tuổi trưởng thành bị nhiễm viêm gan B cấp thường có thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể nhờ hệ miễn dịch. Có đến 90% người trưởng thành bị nhiễm HBV có thể tự khỏi. Tuy nhiên, ngược lại nếu hệ miễn dịch không thể tự loại bỏ, viêm gan B cấp sẽ tiến triển sang dạng mãn tính

Mạn tính: Đây là tính trạng nhiễm viêm gan B kéo dài trên 6 tháng mà không bị loại bỏ và tiếp tục tồn tại một cách âm thầm. Tuổi mắc viêm gan B cấp tính càng nhỏ thì nguy cơ phát triển thành viêm gan B mạn tính càng cao. Tỷ lệ nguy cơ phát triển thành viêm gan B mạn tính theo độ tuổi như sau:
- Trẻ sơ sinh: 90%
- Trẻ em từ 1-5 tuổi: 25% – 50%
- Người lớn: Khoảng 5%


Trong viêm gan B mãn tính được chia làm 2 loại là:
- Nhiễm viêm gan B thể không hoạt động (thể ngủ): Trong trường hợp này, người nhiễm viêm gan B ở thể người lành mang mầm. Người bệnh vẫn sinh hoạt, học tập bình thường và chung sống hòa bình với virus. 

- Nhiễm viêm gan B mãn thể hoạt động: Không giống với viêm gan B mãn thể ngủ. Virus viêm gan B thể hoạt động không ngừng sinh sôi, nảy nở. Đây là giai đoạn mà bệnh nhân cần phải tiến hành điều trị viêm gan B sớm. Nếu không nó sẽ gây tổn hại đến gan. Có thể dẫn đến các biến chứng của viêm gan B  nguy hiểm như: xơ gan, suy gan, ung thư gan

Viêm gan B có thật sự đáng sợ?

Viêm gan B đáng sợ nếu bạn để nó âm thầm tấn công cơ thể mà không biết. Nhưng nếu bạn chủ động tầm soát, tiêm ngừa, và điều trị đúng cách – thì nó không đáng sợ như bạn nghĩ. Thực tế y khoa:

Hơn 90% người trưởng thành nhiễm HBV cấp tính sẽ tự khỏi và không chuyển sang mạn tính.Thống kê cho thấy, khoảng 90% người trưởng thành bị nhiễm HBV sẽ tự khỏi bệnh. Ngược lại, nếu virus HBV không bị loại bỏ, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Viêm gan B mãn tính là tình trạng nhiễm trùng gan kéo dài trên 6 tháng. Khả năng chuyển từ viêm gan B cấp tính sang mãn tính phụ thuộc vào độ tuổi mắc bệnh.

Trong nhóm nhiễm mạn tính, chỉ khoảng 20–30% có nguy cơ biến chứng nặng (xơ gan, ung thư gan) nếu không theo dõi điều trị. Thực tế, viêm gan siêu vi B và biến chứng xơ gan, ung thư gan có mối liên hệ chặt chẽ. Khoảng 20-30% những người viêm gan B sẽ có biến chứng xơ gan và khoảng 3% trong số này sẽ bị ung thư gan. Ở người nhiễm viêm gan B lâu năm thì nguy cơ bị ung thư gan tăng cao.

Người mắc viêm gan B mạn tính có thể sống khỏe mạnh bình thường đến cuối đời, nếu được kiểm tra định kỳ và điều trị đúng.

Người bệnh có virus ở dạng không hoạt động gần như có tuổi thọ giống như những người bình thường vì virus trong cơ thể họ không hoạt động và không gây tổn thương đến gan. Tuy nhiên người bệnh bắt buộc phải theo dõi, kiểm tra men gan định kỳ kết hợp với chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe; 

Với bệnh nhân có virus hoạt động cần phải sử dụng thuốc đặc trị để ngăn chặn sự phát triển của virus HBV đồng thời cần giữ một tâm lý thoải mái, có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ sẽ kéo dài được tuổi thọ, rất nhiều trường hợp sống thọ đến 90 tuổi mặc dù mắc bệnh.

Làm sao để “sống chung hòa bình” với viêm gan B?

Sống chung hòa bình" với viêm gan B là hoàn toàn có thể, nếu bạn hiểu rõ về bệnh, có chế độ sinh hoạt lành mạnh và tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Dưới đây là những điều quan trọng giúp bạn sống khỏe mạnh dù mang virus viêm gan B:

1. Theo dõi định kỳ – kiểm tra chức năng gan 

Người nhiễm HBV mạn tính cần làm các xét nghiệm:
- Men gan (ALT, AST)
- Tải lượng virus HBV-DNA
- Siêu âm gan, Fibroscan đánh giá độ xơ hóa gan
- AFP (chất chỉ điểm ung thư gan) mỗi 6–12 tháng
- Tần suất: thường mỗi 3–6 tháng hoặc theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa gan mật.

 

2. Điều trị thuốc khi có chỉ định

Không phải ai mắc viêm gan B cũng cần dùng thuốc. Chỉ định điều trị khi:
- Men gan tăng cao kéo dài
- Tải lượng virus cao
- Có dấu hiệu viêm hoặc xơ gan trên hình ảnh học
Hiện nay, thuốc điều trị viêm gan B dạng uống (như Tenofovir, Entecavir) rất hiệu quả, có thể ức chế virus lâu dài, bảo vệ gan và giảm nguy cơ ung thư.

 

3. Lối sống lành mạnh – tăng cường sức đề kháng

- Không rượu bia, không hút thuốc – giảm gánh nặng cho gan
- Ăn uống đầy đủ, ưu tiên rau xanh, cá, thực phẩm ít béo
- Tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý
- Ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng – giúp miễn dịch tốt hơn

Viêm gan B có dễ lây không?

Bệnh viêm gan B, do virus HBV gây ra, được xem là một nỗi lo ngại cho tất cả mọi người khi đây là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ người sang người với tốc độ cao hơn virus HIV từ 50 đến 100 lần. Lưu ý rằng, viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm và không phải là một bệnh di truyền.
Viêm gan B không lây qua đường ăn uống, bắt tay, hôn má, dùng chung bát đũa.

Virus HBV lây qua:
- Đường lây
- Giải thích
- Máu
- Truyền máu, dùng chung kim tiêm, dao cạo…

Viêm gan B được biết là loại bệnh lây truyền qua đường máu bởi vì trong máu có chứa nồng độ virus HBV rất cao. Bất cứ trường hợp nào bạn tiếp xúc với máu hoặc được truyền máu từ người dương tính với viêm gan B đều có thể bị nhiễm virus HBV.

Vì vậy, bạn nên cẩn trọng về tính an toàn với những hoạt động có khả năng cao tiếp xúc với máu người khác như: phẫu thuật, đi khám nha khoa, xăm,… Bạn cần phải đảm bảo rằng những dụng cụ này đã thông qua quá trình khử, diệt khuẩn đúng tiêu chuẩn để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm viêm gan B qua đường máu.

Sử dụng chung đồ dùng cá nhân có chứa máu, dịch tiết của người bị viêm gan B khiến bạn có thể bị lây nhiễm virus từ người đó. Một số vật dụng cá nhân bạn tuyệt đối không sử dụng chung:
- Bàn chải đánh răng
- Dụng cụ cắt móng
- Dao cạo râu

Mẹ truyền con trong quá trình sinh nở nếu không phòng ngừa. Truyền nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con là một trong những con đường lây nhiễm có nguy cơ cao, trong trường hợp người mẹ có nồng độ virus viêm gan B trong cơ thể cao và không thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho con, có đến khoảng 90% số trẻ sơ sinh bị mắc viêm gan B mạn tính. Có 3 giai đoạn mà mẹ có thể lây truyền virus viêm gan B cho con, tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm không đồng nhất trong các giai đoạn này. Cụ thể:

+ Giai đoạn mang thai: Do virus viêm gan B lây qua đường máu, trong giai đoạn này, sự tiếp xúc giữa mẹ và thai nhi bị hạn chế bởi hàng rào nhau thai, do đó tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang thai nhi là rất thấp, chỉ khoảng 2%. 

+ Giai đoạn chuyển dạ và sinh con: Đây là giai đoạn có tỷ lệ lây truyền virus cao nhất, lên đến 90%. Khi chuyển dạ, tử cung bắt đầu co thắt, kéo theo việc co thắt của mạch máu xung quanh thai nhi. Trong quá trình này, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm virus HBV thông qua tiếp xúc với máu của mẹ hoặc dịch âm đạo khi trẻ chui qua âm đạo của mẹ.

+ Giai đoạn cho con bú: Mặc dù DNA của virus HBV được tìm thấy trong sữa non của mẹ với nồng độ thấp, nhưng viêm gan B vẫn có khả năng lây qua đường sữa mẹ cho con bú. Vì thể, tỷ lệ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con thông qua đường sữa là thấp, đặc biệt nếu bé đã được tiêm ngừa đầy đủ vắc xin viêm gan B và thuốc tiêm miễn dịch toàn phần (HBIG) sau khi sinh thì tỷ lệ lây nhiễm là rất thấp.

Tình dục không an toàn: Quan hệ với người mang virus mà không dùng biện pháp bảo vệ, virus viêm gan B hoàn toàn có thể lây nhiễm qua đường tình dục dễ dàng với nhiều hình thức. Tuy nhiên, người bệnh viêm gan B vẫn có thể quan hệ tình dục, song để tránh lây nhiễm thì cần sử dụng bao cao su.

Tiêm phòng vaccine viêm gan B thì có thể ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục với người bị viêm gan B vì vaccine có hiệu quả bảo vệ rất cao.

Phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin – dùng đồ dùng cá nhân riêng – kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân.

Viêm gan B có thể nguy hiểm, nhưng không phải là dấu chấm hết. Quan trọng là bạn không chủ quan, cũng không hoảng sợ. Với sự tiến bộ của y học hiện nay, người nhiễm viêm gan B hoàn toàn có thể sống lâu, sống khỏe.
 – BS.CKI Đỗ Hoàng An Lộc – Hệ thống Y khoa Ái Nghĩa