Cô N.V.A (52 tuổi, ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) phát hiện các vết mụn nước đau rát trên vùng hông lưng. Nghĩ rằng mình bị "giời leo", cô tự mua thuốc tại nhà thuốc và điều trị tại nhà. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng không cải thiện, đau nhức dữ dội vì vậy cô quyết định đến PKĐK Ái Nghĩa Nhơn Trạch thăm khám và điều trị.
Trước đó ThS BS Phạm Thị Tám cũng đã điều trị trường hợp khách hàng lớn tuổi phát hiện các mụn nước li ti rát đỏ vùng cổ. Tin lời truyền miệng, cô không đi khám mà đắp lá cây, đi “phán” theo lời mách. Sau 5 ngày, vết loét không lành mà ngày càng lan rộng, đau rát, sưng mủ. Sau đó cô quyết định đi khám và được chẩn đoán cô bị zona thần kinh (tên y học của giời leo) đã bội nhiễm do tự ý điều trị bằng các phương pháp không khoa học.
“Khi người bệnh áp dụng các mẹo như đắp lá, vẽ chân nhang, uống thuốc truyền miệng… họ không chỉ sai phương pháp mà còn tự đẩy mình ra khỏi “thời gian vàng” điều trị – trong 72 giờ đầu khi virus còn có thể kiểm soát hiệu quả bằng thuốc kháng siêu vi.” Vậy khi gặp tình trạng này, người bệnh nên làm gì? Hãy cùng ThS BS Phạm Thị Tám tìm hiểu về bệnh lý này.
1. Zona thần kinh là gì?
Zona thần kinh – còn gọi là “giời leo” trong dân gian – là bệnh do virus varicella-zoster, cũng chính là loại virus gây bệnh thủy đậu.
Sau khi mắc thủy đậu (thường từ khi còn nhỏ), virus không bị tiêu diệt hoàn toàn mà ẩn trong các hạch thần kinh dưới dạng “ngủ yên”. Nhiều năm sau, khi hệ miễn dịch suy yếu – vì tuổi tác, bệnh mạn tính, stress kéo dài, điều trị ung thư… virus tái hoạt động và gây ra zona.
2. Dấu hiệu nhận biết Zona thần kinh
- Đau rát, bỏng da hoặc châm chích trước 1–7 ngày khi nổi mụn nước
- Mụn nước xuất hiện thành chùm, theo dải, vệt trên một bên cơ thể (lưng, ngực, cổ, mặt…)
- Kèm theo: sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi hạch, đau nhức vùng tổn thương
- Khác với thủy đậu, zona chỉ xuất hiện một bên cơ thể – dọc theo dây thần kinh bị virus “tấn công”.

3. Các biến chứng thường gặp:
Theo bác sĩ chuyên khoa, zona thần kinh không chỉ là bệnh ngoài da. Nếu điều trị sai hoặc chậm trễ, virus có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn:
Biến chứng |
Mô tả |
Đau thần kinh sau zona |
Cơn đau rát, buốt kéo dài hàng tháng, thậm chí nhiều năm |
Bội nhiễm da |
Vết mụn nước loét, chảy dịch, nhiễm trùng sâu – khó lành |
Tổn thương mắt |
Zona vùng mắt có thể gây mù lòa, viêm loét giác mạc |
Viêm não – màng não |
Trường hợp nặng, virus có thể lan vào hệ thần kinh trung ương |
Ảnh hưởng đến vùng sinh dục, tai – miệng |
Gây đau, sưng phù, giảm chức năng cảm giác – thính giác |
4. 72 giờ đầu – thời gian vàng để điều trị zona thần kinh
Theo thống kê được công bố trên Tạp chí Y học New England (The New England Journal of Medicine), tỷ lệ mắc zona thần kinh ở các nhóm tuổi như sau:
- Người trẻ (dưới 60 tuổi): khoảng 3,4 ca/1.000 người mỗi năm
- Người cao tuổi (trên 65 tuổi): lên đến 11,8 ca/1.000 người mỗi năm
Điều này cho thấy nguy cơ mắc bệnh gia tăng theo tuổi tác, đặc biệt ở người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, mắc bệnh nền như đái tháo đường, ung thư, hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Theo ThS Bác sĩ Phạm Thị Tám - bác sĩ chuyên khoa Nội - Nhiễm Hệ thống Y khoa Ái Nghĩa, với gần 20 năm công tác trong lĩnh vực Nội nhiễm nhận định thời gian điều trị hiệu quả nhất cho zona là trong vòng 72 giờ đầu sau khi xuất hiện mụn nước.
Việc sử dụng thuốc kháng virus đúng thời điểm có thể:
- Ức chế virus varicella-zoster
- Giảm nguy cơ tổn thương thần kinh
- Phòng tránh biến chứng như đau thần kinh sau zona
- Phòng được viêm não
Ngược lại, bỏ lỡ “cửa sổ điều trị vàng” này khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, thời gian phục hồi kéo dài, tốn kém chi phí và tăng nguy cơ di chứng lâu dài.
5. Những sai lầm phổ biến
- Đắp lá cây, bôi tỏi, nha đam, mật ong, dầu gió, nước tiểu, vẽ vòng chân nhang lên da
- Không tắm, không bật quạt, kiêng gió – dẫn đến vệ sinh kém, nhiễm trùng
- Nhầm zona với viêm da do côn trùng cắn, tự mua thuốc sai
- “Đi phán”, “khoán”, tin vào mê tín thay vì khám bệnh
ThS Bác sĩ Phạm Thị Tám - bác sĩ chuyên khoa Nội - Nhiễm Hệ thống Y khoa Ái Nghĩa, khẳng định: “Chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh mẹo dân gian có thể chữa khỏi zona. Ngược lại, đắp lá, dùng mẹo có thể làm bệnh nặng hơn.”
6. Làm gì khi nghi bị Zona?
- Đến khám tại cơ sở y tế trong vòng 24–72 giờ đầu để được chẩn đoán và điều trị đúng
- Uống thuốc kháng siêu vi theo chỉ định của Bác sĩ – càng sớm, hiệu quả càng cao
- Không đắp bất kỳ thứ gì lên vùng tổn thương
- Vệ sinh sạch sẽ, tránh lây lan – đặc biệt với người chưa từng mắc thủy đậu
- Ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi, tăng cường miễn dịch
7. Lời khuyên cụ thể cho người bị Zona thần kinh.
1. Chế độ ăn uống
- Ăn đầy đủ dinh dưỡng: tăng cường thực phẩm giàu vitamin C, E, B12 (rau xanh, trái cây, cá, ngũ cốc nguyên cám...) để hỗ trợ phục hồi thần kinh và tăng sức đề kháng
- Uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm dễ tiêu
❌ Tránh thực phẩm cay, nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ vì có thể gây viêm nặng hơn
❌ Hạn chế rượu bia, chất kích thích – làm suy giảm miễn dịch
2. Tắm rửa – vệ sinh da
- Vẫn nên tắm mỗi ngày, bằng nước sạch, ấm, xà phòng dịu nhẹ
- Lau người nhẹ nhàng, dùng khăn bông mềm, tránh chà xát vào vùng da tổn thương
- Sau tắm, nên thấm khô vùng mụn nước rồi bôi thuốc theo chỉ định
❌ Tuyệt đối không bôi dầu gió, tỏi, mật ong, thuốc lào, nha đam… lên vùng tổn thương
❌ Nhiều người sợ “trúng gió”, “gió độc” mà kiêng tắm – điều này không đúng và dễ gây nhiễm trùng da nặng hơn.
3. Giặt giũ, vệ sinh cá nhân
- Giặt quần áo, khăn mặt, ga giường riêng, phơi ngoài nắng để sát khuẩn tự nhiên
- Sử dụng ly uống nước, bát đũa riêng, không dùng chung đồ cá nhân
Rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi chạm vào vùng da bị zona
4. Tiếp xúc với người thân, trẻ nhỏ
- Hạn chế bế trẻ sơ sinh, tiếp xúc gần với người chưa từng bị thủy đậu, người đang mang thai hoặc người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu
- Khi cần chăm cháu, nên che vùng da tổn thương bằng gạc sạch, rửa tay sạch sẽ trước – sau khi tiếp xúc
❌ Không nên để vùng mụn nước hở khi tiếp xúc gần với người khác
Lưu ý: Zona không dễ lây từ người sang người như cúm. Tuy nhiên, dịch mụn nước chứa virus varicella-zoster có thể gây bệnh thủy đậu cho người chưa miễn dịch.
Tóm tắt nguyên tắc "3 KHÔNG – 3 NÊN" khi bị zona
❌ 3 KHÔNG |
✅ 3 NÊN |
Không đắp lá, thuốc dân gian |
Nên khám sớm, dùng thuốc đúng chỉ định |
Không gãi – đâm mụn nước |
Không gãi – đâm mụn nước |
Không dùng chung đồ cá nhân |
Nên giặt, phơi đồ riêng – sát khuẩn tốt |