Cảnh báo nguy cơ Đục thủy tinh thể ở người trẻ do sử dụng thuốc có chứa Corticoid dài ngày

05/10/2024
Lượt xem: 484

Hiện nay, bệnh đục thủy tinh thể không còn là vấn đề riêng của người cao tuổi mà đang dần trẻ hóa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên thế giới, với hơn 50 triệu người bị suy giảm thị lực nghiêm trọng và 20 triệu người mất thị lực vĩnh viễn mỗi năm. Hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa với khoảng 30% bệnh nhân là người trẻ. Nguyên nhân của sự gia tăng này bao gồm lối sống chủ quan, thiếu ý thức chăm sóc mắt, và ảnh hưởng từ môi trường ô nhiễm. 

Anh N.Đ.M (sinh năm 1994 ngụ tại Xuân Lộc, Đồng Nai) đã đến Trung tâm Điều trị Mắt Kỹ thuật cao Sài Gòn Ái Nghĩa Long Khánh thăm khám sau khi mắt trái bị mờ suốt nhiều tháng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, thị lực chỉ còn 2/10. Sau khi thăm khám cùng Bác sĩ CKI Trần Nguyên Tú, anh được chẩn đoán đục thủy tinh thể mắt trái. Quá trình thăm khám, anh khai tiền sử bệnh lý về khớp, có sử dụng thuốc chứa Corticoid dài ngày, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắt trái bị đục thủy tinh thể. Sau tư vấn, anh quyết định thực hiện phẫu thuật Phaco cùng thủy tinh thể đa tiêu cự giúp cải thiện thị lực rõ ràng và sắc nét ở nhiều khoảng cách khác nhau.

Anh N.Đ.M đang được BS CKI Trần Nguyên Tú thăm khám

TẠI SAO NGƯỜI TRẺ VẪN BỊ ĐỤC THỦY TINH THỂ?

Lý giải vì sao người trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh lý đục thủy tinh thể, BS CKI Trần Nguyên Tú giải thích thêm: Thể thủy tinh trong mắt đóng vai trò như một thấu kính hội tụ, giúp ánh sáng đi qua võng mạc và hội tụ đúng trên giác mạc. Thủy tinh thể có cấu tạo chủ yếu từ nước và protein, trong đó 35% là protein giúp nó luôn trong suốt. 

Phần lớn người mắc bệnh đục thủy tinh thể là người lớn tuổi, chủ yếu do quá trình lão hóa tự nhiên. Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể bao gồm rối loạn bẩm sinh, tai nạn, chấn thương, hoặc biến chứng từ các bệnh lý toàn thân khác.
Nguyên nhân người trẻ có thể bị đục thủy tinh thể do một số nguyên nhân chủ yếu như:
- Lạm dụng thuốc chứa corticoid: Sử dụng lâu dài thuốc chứa thành phần này có thể tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học: Ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, phụ gia, và thiếu cân bằng chất gây ảnh hưởng đến thủy tinh thể.
- Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Khói bụi, khí thải, và tia cực tím từ mặt trời thúc đẩy quá trình lão hóa mắt.
- Tiếp xúc ánh sáng cường độ cao: Công việc tiếp xúc với ánh sáng mạnh như hàn xì, cơ khí, mà không có bảo hộ làm tăng nguy cơ…

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT NÊN THĂM KHÁM

Một số dấu hiệu điển hình ở giai đoạn tiến triển và người trẻ có thể nhận thấy:
- Suy giảm thị lực: Mắt nhìn mờ, giống như có màn sương bao phủ.
- Mắt nhạy cảm: Chói lóa khi gặp ánh sáng, mắt thường xuyên nhức mỏi, nước mắt chảy ra không kiểm soát.
- Điều tiết kém: Mắt nhìn không rõ trong môi trường thiếu sáng, quáng gà.
- Song thị: Nhìn một vật thấy 2 hoặc nhiều hình ảnh.
- Rối loạn màu sắc: Cảnh vật bị đổi màu, ngả vàng hoặc tối đi.
- Lóa mắt: Thấy quầng sáng khi nhìn vào đèn hoặc ngọn lửa.
- Hiện tượng ruồi bay: Xuất hiện những điểm đen di chuyển trước mắt…
Tốc độ tiến triển của đục thủy tinh thể ở người trẻ thường nhanh hơn ở người cao tuổi, một phần do tâm lý chủ quan, thiếu quan tâm đến sức khỏe mắt và các biện pháp bảo vệ đúng cách. Bên cạnh đó, sự phức tạp của các yếu tố nguy cơ như môi trường, thói quen sống, và việc sử dụng thuốc có thể góp phần làm tăng tốc độ phát triển của bệnh ở người trẻ.

ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

- Điều trị nội khoa: Hiện chưa có thuốc nào được công nhận có khả năng điều trị hoàn toàn đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, việc sử dụng kính, thuốc nhỏ mắt, bổ mắt cùng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh có thể làm chậm tiến triển bệnh.
- Phẫu thuật: Khi bệnh tiến triển nặng hơn và thị lực chỉ còn dưới 3/10, phẫu thuật thay thế thủy tinh thể đục bằng thủy tinh thể nhân tạo là biện pháp tối ưu để điều trị triệt để.

BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA ĐỤC THỦY TINH THỂ Ở NGƯỜI TRẺ:

- Khám mắt định kỳ: Chủ động thăm khám khi có triệu chứng như mỏi mắt, nhìn mờ, nhức, khô hay rát mắt.
- Kiểm soát bệnh lý toàn thân: Chia sẻ với bác sĩ các dấu hiệu nếu bạn bị cao huyết áp, tiểu đường để tránh biến chứng mắt.
- Dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung vitamin và dưỡng chất tốt cho mắt qua chế độ ăn đa dạng.
- Bảo vệ mắt: Đeo kính mát khi ra ngoài, dùng thiết bị bảo hộ theo đặc thù công việc.
- Tránh các yếu tố nguy cơ: Hạn chế rượu bia, thuốc lá và môi trường khói bụi.

Chia sẻ của anh N.Đ.M sau phẫu thuật Phaco với Thủy tinh thế Đa tiêu tại Trung tâm mắt: